BỤI SƠN LÀ GÌ? BỤI SƠN GỐC NƯỚC VÀ GỐC DUNG MÔI CÓ GÌ KHÁC NHAU
Ngày đăng: 10-05-2025 | 14:34:25
BỤI SƠN LÀ GÌ? BỤI SƠN GỐC NƯỚC VÀ GỐC DUNG MÔI CÓ GÌ KHÁC NHAU
Bụi sơn và hơi dung môi thường phát sinh trong quá trình các ngành nghề quen thuộc như cơ khí, ô tô, nội thất, điện tử... Nếu không được quản lý và xử lý kịp thời, chúng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người khi tiếp xúc lâu dài.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn khách quan và tường tận từ khái niệm, nguyên nhân phát sinh bụi sơn và hơi dung môi, tính chất, so sánh bụi sơn gốc nước và gốc dung môi.
1. Bụi sơn là gì?
Bụi sơn là các hạt nhỏ hoặc giọt li ti sinh ra trong quá trình phun sơn, sơn tĩnh điện, hoặc mài chà bề mặt đã sơn. Chúng thường lơ lửng trong không khí và có thể bám dính trên các bề mặt hoặc bị con người hít phải, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường làm việc.
Phun sơn phát tán bụi sơn
2. Hơi dung môi sơn là gì?
Hơi dung môi trong bụi sơn là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thoát ra từ sơn (thường là sơn gốc dung môi). Các hơi dung môi này thường là các chất bay hơi có mùi đặc trưng, độc hại, dễ bắt cháy và nguy hiểm cho sức khỏe nếu hít phải lâu dài.
3. Nguồn gốc phát sinh bụi sơn và hơi dung môi sơn
Bụi sơn và hơi dung môi phát sinh do sơn không bám hết lên bề mặt vật thể, bị phân tán vào không khí dưới dạng hạt mịn trong các quá trình chính như:
Phun sơn: Qúa trình này dùng súng phun khí nén. Phát tán bụi sơn và hơi dung môi do các hạt bay lạc vào không khí.
Sơn tĩnh điện: Qúa trình này sử dụng bột sơn tích điện và buồng sơn khô, bụi sơn phát tán do bột sơn dư không bám vào vật liệu.
Chà nhám, mài vật liệu đã sơn: Qúa trình này giúp làm nhẵn bề mặt trước hoặc sau khi sơn, phát tán bụi sơn cũ và cả bụi của vật liệu nền.
Khô sơn: Đây là quá trình bay hơi dung môi có trong sơn, giúp sơn hóa rắn và bám vào vật liệu. Qúa trình này phát tán nhiều hơi dung môi, hơi sơn và các hạt li ti.
Vệ sinh thiết bị sơn: Như làm sạch súng, buồng sơn có thể phát tán bụi sơn khô rơi rớt hoặc sơn còn dư.
Ngành sản xuất đồ gia dụng, điện tử: Sơn vỏ tivi, tủ lạnh, máy lạnh, điện thoại. Ngành này yêu cầu cao về độ mịn do đó phát sinh những hạt bụi siêu mịn.
Ngành in ấn bao bì, nhãn mác: Sơn phủ UV, cán màng, in flexo. Ngành này không phát sinh nhiều bụi sơn nhưng đổi lại là lượng VOC và sương sơn khá lớn, gây độc hại với người trực tiếp tiếp xúc.
Ngành đóng tàu, kết cấu thép: Sơn epoxy, chống ăn mòn thân và vỏ tàu, do kích cỡ sản phẩm thường lớn nên cần sơn tại không gian mở, phát tán bụi rộng lớn.
Phun sơn phát tán bụi sơn
4. Thành phần và tính chất của bụi sơn
4.1. Thành phần của bụi sơn
Tùy vào loại sơn sử dụng, bụi sơn có thể chứa:
Chất tạo màng (nhựa – resin): Là thành phần chính tạo lớp màng bám trên bề mặt vật liệu như nhựa alkyd, acrylic, epoxy, polyurethane, polyester... Chất này có thể phân hủy tạo ra các sản phẩm độc hại khi bị nung nóng hoặc phân tán thành bụi mịn.
Bột màu: Giúp tạo màu sắc cho sơn. Một số bột màu có thể chứa kim loại nặng độc hại như chì, crôm, kẽm, cadimi,…)
Dung môi (nếu là sơn gốc dung môi): Giúp làm loãng sơn để phun, sau đó bay hơi nhanh, một phần có thể ngưng tụ hoặc bám vào bụi sơn. Một số dung môi như toluen, xylene, acetone, MEK, ethanol...
Chất độn: Chất này giúp tăng độ cứng, độ bền, giảm giá thành. Chất này có thể sinh ra bụi mịn nguy hiểm, nhất là bụi silica tự do gây bệnh bụi phổi. Một số chất độn như calcium carbonate (CaCO₃), barite (BaSO₄), silica (SiO₂)…
Phụ gia sơn: Giúp tăng tính năng của sơn như chất làm khô, chất ổn định, chất chống tia UV, chống nấm mốc, chống tạo bọt ...Một số phụ gia có thể chứa các hợp chất gốc amin, kim loại nặng, hoặc chất bay hơi độc hại.
Các tạp chất khác: Nếu là quá trình mài chà, bụi còn có thể chứa thêm các vật liệu nền như kim loại, gỗ, lớp sơn cũ, bụi chà nhám, sợi thủy tinh (vật liệu composite).
4.2. Tính chất bụi sơn
Sơn có 2 loại chính là sơn gốc nước và sơn gốc dung môi. Để có thể hiểu rõ tính chất của các loại bụi sơn phát sinh, ta cần phân biệt loại sơn và biết được ưu nhược điểm của chúng để có thể xác định được phương pháp xử lý phù hợp.
Sơn gốc nước
Ưu điểm:
Thân thiện với môi trường: Phát thải VOC thấp, chỉ 5-15%, giảm ô nhiễm không khí và mùi độc hại
An toàn cho người sử dụng: Ít gây kích ứng da, mắt, hô hấp, khó bắt cháy nên an toàn trong phòng chống cháy nổ.
Dễ vệ sinh thiết bị: Có thể làm sạch bằng nước thay vì dung môi
Tuân thủ dễ với quy định môi trường: Dễ đáp ứng QCVN 19:2022, tiêu chuẩn khí thải. Phù hợp với doanh nghiệp muốn đi theo chiều hướng công nghiệp xanh và bảo vệ môi trường.
Nhược điểm:
Thời gian khô lâu hơn: Cần thời gian bay hơi nước, phụ thuộc vào độ ẩm và nhiệt độ môi trường.
Khó bảo quản trong môi trường ẩm: Có thể bị đông, mốc hoặc biến chất nếu bảo quản sai cách
Yêu cầu bề mặt sạch, khô tuyệt đối: Kém bám dính nếu bề mặt ẩm hoặc dầu mỡ
Chi phí nguyên liệu và thiết bị cao hơn: Nhựa phân tán nước và súng phun chuyên dụng thường có chi phí cao.
Sơn gốc dung môi
Ưu điểm:
Khô nhanh hơn: Dung môi bay hơi nhanh, phù hợp với sản xuất hàng loạt tốc độ cao
Bám dính tốt trên nhiều bề mặt: Nhờ khả năng hòa tan và xuyên sâu vào vật liệu, kể cả kim loại, nhựa, gỗ.
Dễ thi công trong điều kiện ẩm: Không bị ảnh hưởng nhiều bởi độ ẩm không khí
Chi phí đầu tư: Chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn
Nhược điểm:
Phát thải VOC cao, gây ô nhiễm môi trường
Dễ cháy nổ: Hơi dung môi rất dễ bắt lửa, nguy cơ cháy trong phòng sơn cao
Độc hại cho người sử dụng: Ảnh hưởng thần kinh, gan, phổi, gây kích ứng và nguy cơ ung thư
Chi phí xử lý khí thải cao: Cần hệ thống hấp phụ, đốt VOC hoặc xúc tác UV để đạt chuẩn môi trường
Bụi sơn có 2 dạng chính:
Bụi khô: Do sơn bị khô trong không khí trước khi bám vào vật liệu, thường thấy trong sơn tĩnh điện
Bụi ướt: Sơn dạng lỏng không bám vào vật thể nên phát tán ra môi trường xung quanh
Bảng so sánh 2 loại bụi sơn
Tiêu chí
Sơn gốc nước
Sơn gốc dung môi
Thành phần bay hơi
Chủ yếu là nước (H2O)
Chủ yếu là VOC (toluen, xylen...)
Mức phát thải VOC
Thấp (ít ảnh hưởng đến môi trường)
Cao (ô nhiễm không khí tạo ozon tầng thấp)
Khả năng cháy nổ
Thấp
Cao (dễ cháy, có nguy cơ nổ bụi)
Tính dính bám
Trung bình
Cao, bụi ướt dính mạnh do có thành phần nhựa và dung môi
Tính độc hại
Thấp hơn, ít gây kích ứng
Cao hơn, dễ gây ngộ độc, tổn thương gan, thần kinh
Xử lý bụi sơn
Dễ hơn, chủ yếu xử lý bụi nước
Phức tạp hơn, cần xử lý cả VOC, bụi mịn, mùi
5. Ảnh hưởng của bụi sơn đến sức khỏe con người và môi trường
Đối với môi trường:
Bụi sơn và hơi dung môi góp phần hình thành ô nhiễm không khí trong nhà
Góp phần tạo nên ozon tầm thấp và bụi mịn thứ cấp: VOC trong bụi sơn phát tán ra không khí phản ứng với NOx trong không khí (từ xe cộ, đốt nhiên liệu...) và xảy ra chuỗi phản ứng quang hóa. Kết quả là sinh ra O3 tầng thấp trong điều kiện ánh sáng mạnh và không khí tù đọng.
Gây mùi khó chịu, ảnh hưởng không khí khu vực xung quanh.
Đối với sức khỏe con người:
Bụi sơn và các hơi dung môi, hơi sơn độc hại gây các tác động tới sức khỏe con người như:
Gây kích ứng mắt, mũi, họng
Gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn
Gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh trung ương
Sơn và hơi dung môi có nguy cơ cao gây ung thư phổi, vòm họng, gan, bàng quang. Một số VOC là chất gây ung thư như benzen, formaldehyde...
Trên đây là tất cả nội dung chi tiết về chủ đề Bụi sơn là gì? Bụi sơn gốc nước và gốc dung môi có gì khác nhau. Để biết thêm phương pháp xử lý bụi sơn hiệu quả và phù hợp với những loại bụi sơn trên, mời các bạn xem bài viết Tổng hợp phương pháp xử lý bụi sơn hiệu quả.
Với phương châm “Uy tín tạo nên chất lượng” mỗi sản phẩm, mỗi dự án lắp đặt cho khách hàng đều được Thiên Long thực hiện bằng cả tâm huyết. Chúng tôi cam kết tất cả sản phẩm Thiên Long được làm từ nguyên liệu chất lượng, ứng dụng công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất hiện nay. Khách hàng mang đến Thiên Long bài toán môi trường của mình, Thiên Long gửi lại lời giải tiết kiệm và tối ưu nhất cho khách hàng.
Qúy doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác công ty để thi công lắp đặt hệ thống xử lý vấn đề môi trường hoặc quan tâm đến các hạng mục khác, hãy liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 0965 565 579.